Thịt nhân tạo là gì?
Thịt trong ống nghiệm, thịt nuôi cấy hay thịt nhân tạo là một sản phẩm do con người tạo ra, không sử dụng phương pháp truyền thống (giết mổ để lấy thịt), mà sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong dĩa thí nghiệm.
Thịt nhân tạo có giống thịt nuôi theo phương pháp thông thường?
Các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương với thịt thông thường. Công ty khởi nghiệp Mosa Meat (Hà Lan) cho biết, về lý thuyết một mẫu tế bào bò có thể tạo ra tới 10.000 kg thịt nuôi cấy, với quy trình sản xuất cần ít đất hơn 99% và ít nước hơn 96% so với chăn nuôi truyền thống (điều đó có nghĩa là chỉ cần 150 con bò thay vì 1,5 tỷ con như hiện nay để có thể đáp ứng được nhu cầu thịt bò của cả thế giới). Các tế bào nuôi cấy tăng gấp đôi số lượng sau mỗi 2 ngày, có nghĩa là thịt nuôi cấy có thể được sản xuất nhanh hơn nhiều so với thịt thông thường. Công ty Aleph Farms (Israel) công bố họ có thể sản xuất một mẻ bít tết nuôi cấy trong vòng ba tuần, thời gian ngắn hơn nhiều so với gần 2 năm để nuôi một con bò.
Tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp sản xuất thịt nhân tạo
Thịt nuôi trong phòng thí nghiệm đang phát triển theo cấp số nhân ở Mỹ, doanh số 1,4 tỉ USD/năm. Công ty thực phẩm Good Meat (Mỹ) bắt đầu xây dựng 10 lò phản ứng sinh học lớn nhất thế giới, tạo ra một loại thịt giống thịt nuôi trang trại.
Công ty Good Meat ước tính các lò phản ứng sinh học mới này sẽ có khả năng cung cấp ra thị trường 13.700 tấn thịt gà hoặc thịt bò hằng năm.
Theo Hãng tin Sputnik, Good Meat là công ty đầu tiên tại Mỹ bán thịt nuôi trong phòng thí nghiệm (thịt nhân tạo) với mục đích thương mại. Nơi đây đã cung cấp món thịt gà chiên cốm cho một nhà hàng ở Singapore từ năm 2020.
Việc xây dựng tổ hợp 10 lò phản ứng sinh học mới đã được bắt đầu tại Mỹ. Mỗi lò phản ứng sinh học sẽ cao khoảng 17m và có sức chứa 250.000 lít chất nuôi cấy tạo ra thành phẩm thịt. Cơ sở này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.
Thách thức của ngành sản xuất thịt nhân tạo
Sự phát triển chóng mặt của thịt nhân tạo cũng gây nhiều tranh cãi và bị cho là đe dọa ngành chăn nuôi giết mổ truyền thống. Ngoài ra, xu hướng này cũng vấp phải nhiều phản ứng nghi ngờ từ một số tên tuổi trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm.
Các luồng tranh cãi rơi vào 4 ý kiến chính: Thịt nhân tạo bị xử lý quá nhiều; chứa sinh vật đột biến gen (GMO); không thực sự tốt, thậm chí còn gây hại cho sức khỏe; và không đem lại cảm giác hấp dẫn như thịt thật.
Bên cạnh đó, tâm lý của người tiêu dùng về thịt "được nuôi cấy" hoặc "nuôi cấy" cũng là một vấn đề. Người tiêu dùng vốn luôn hoài nghi về công nghệ sinh học, đặc biệt là trong thực phẩm. Rất có thể sẽ cần hàng thập kỷ để họ thay đổi quan điểm.
Tuy còn tồn tại nhiều thách thức và trở ngại nhưng không thể phủ định ngành sản xuất thịt nhân tạo là ngành rất có tiềm năng trong tương lai.
Nguồn: Tổng hợp